QUY ĐỊNH MỚI VỀ THU PHÍ
NÔNG NGHIỆP SẼ THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP
Hiện Bộ Tài chính đang dự thảo các Thông tư thu phí trong lĩnh vực thú y,
an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản phù hợp với Luật Phí và
lệ phí, để tạo thuận lợi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT
Chính phủ, DN tư nhân Trung Nghĩa (Hà Giang) đề nghị Chính phủ xem xét cắt giảm
các loại phí, giấy phép con không cần thiết liên quan đến chăn nuôi an toàn thực
phẩm.
Theo ý kiến của DN tư nhân Trung Nghĩa, việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm
một phần là do lợi nhuận của người kinh doanh chăn nuôi không có vì hiện nay
quá nhiều chi phí không hợp lý như phí, lệ phí thú y và các giấy phép con… Do vậy,
nếu cắt giảm các chi phí không hợp lý giá thành sẽ giảm xuống. Khi người kinh
doanh chăn nuôi bảo đảm mục tiêu lợi nhuận thì vấn đề an toàn thực phẩm sẽ bảo
đảm.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như
sau:
Ngày 7/8/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113/2015/TT-BTC sửa
đổi 1 khoản lệ phí, bãi bỏ 13 khoản lệ phí (Lệ phí cấp giấy chứng nhận vùng, cơ
sở an toàn dịch bệnh; lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động
vật vận chuyển qua bưu điện...), bãi bỏ 21 khoản phí thú y (Phí kiểm dịch trứng
gia cầm các loại; phí kiểm dịch sản phẩm động vật pha lóc, đóng gói lại, sơ, chế
biến;...).
Ngày 25/11/2015, Quốc hội thông qua Luật Phí và lệ
phí, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Theo đó, chuyển 6 khoản
phí trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 24/2006/NĐ-CP
ngày 6/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí
sang thực hiện theo giá dịch vụ (gồm thủy lợi phí; phí kiểm nghiệm chất lượng
thức ăn chăn nuôi; phí kiểm nghiệm thuốc thú y; phí kiểm định, khảo nghiệm thuốc
bảo vệ thực vật; phí chẩn đoán thú y).
Về lệ phí, bãi bỏ 9 khoản lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định tại
Nghị định số 24/2006/NĐ-CP (gồm lệ phí cấp chứng nhận kết quả giám sát khử
trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề
xông hơi khử trùng; lệ phí cấp phép sản xuất kinh doanh thuốc thú y; lệ phí cấp
phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc
bảo vệ thực vật ở Việt Nam; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề sản xuất kinh doanh
thuốc bảo vệ thực vật; lệ phí cấp giấy phép đối với các hoạt động phải có phép
trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi; lệ phí cấp giấy phép vận chuyển đặc
biệt đối với động vật quý hiếm và sản phẩm của chúng).
Hiện Bộ Tài chính đang dự thảo các Thông tư thu phí trong lĩnh vực thú y,
an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản phù hợp với Luật Phí và
lệ phí, để tạo thuận lợi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp.